Thế giới ảo Metaverse có thể mang lại cho con người những tương tác thú vị qua không gian ảo. Tuy vậy, mô hình này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Microsoft, Facebook và nhiều công ty công nghệ khác tuyên bố Metaverse sẽ là tương lai của Internet. Nhiều người dùng tỏ ra hứng thú với công nghệ này, số còn lại vẫn đặt ra nhiều hoài nghi về mô hình không gian ảo.
Metaverse là gì?
Thuật ngữ Metaverse được nhà văn Neal Stephenson đặt ra trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng Snow Crash vào năm 1992. Trong đó, metaverse này đề cập đến một môi trường kỹ thuật số nhập vai, nơi con người có thể tương tác như đời thực.
Tiền tố "meta" có nghĩa là vượt ra ngoài và "verse" đề cập đến vũ trụ. Các công ty công nghệ sử dụng thuật ngữ này để mô tả một thế giới ảo được tạo nên từ Internet và hỗ trợ các công cụ thực tế ảo (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality). Theo đó, Metaverse có thể mang lại cho người dùng một trải nghiệm chân thật nhất.
|
Tuyên bố của CEO Facebook, Mark Zuckerberg cũng khiến nhiều người hoài nghi và tò mò về Metaverse. Ảnh: Facebook.
|
Cụ thể, người dùng có thể đi lại, hành động trong không gian ảo như cách con người điều khiển thế giới thực. Người dùng cũng có thể tương tác với những người ở hành tinh khác như thể họ đang ở trong cùng một căn phòng.
Metaverse có thể được chia thành hai nhóm nền tảng riêng biệt. Nhóm đầu tiên xoay quanh việc xây dựng một thế giới ảo dựa trên blockchain, dùng NFT và tiền mã hóa để sử dụng các tính năng bên trong trò chơi. Các tựa game như Decentraland và The Sandbox cho phép người dùng mua các lô đất ảo và xây dựng không gian của riêng họ.
Có nhiều người dùng nghi ngờ Facebook. Vì vậy, việc xây dựng một vũ trụ ảo trên nền tảng độc quyền có thể là một điều tiêu cực đối với người dùng
Vitalik Buterin, người tạo ra Ethereum
Nhóm thứ hai sử dụng Metaverse để chỉ thế giới ảo một cách tổng quát hơn, nơi người dùng có thể gặp nhau để làm việc hoặc giải trí. Thuật ngữ này cũng trở nên phổ biến khi CEO Facebook, Mark Zuckerberg đề cập đến việc biến nền tảng mạng xã hội của công ty này thành một vũ trụ ảo riêng biệt. Ông cho rằng Metaverse sẽ là sự kế thừa của Internet di động.
“Tôi nghĩ điều thú vị nhất là làm thế nào để kết hợp các sản phẩm lại với nhau thành một ý tưởng lớn hơn. Mục tiêu tổng quát của chúng tôi đối với tất cả sáng kiến này là mang Metaverse vào cuộc sống”, CEO Facebook cho biết.
Theo CEO Facebook, Metaverse sẽ mở ra cơ hội lớn cho những nhà sáng tạo nội dung, nghệ sĩ độc lập, các cá nhân muốn làm việc từ xa tại nhà và người sống ở nơi ít có điều kiện được học tập, giải trí.
Mỏ vàng cho nhiều tựa game
Hiện nay, nhiều công ty game định hướng phát triển các trò chơi theo Metaverse. Những cái tên đã thành công trong lĩnh vực này có thể kể đến như GTA V Online, Fortnite hay tựa game blockchain Decentraland...
Với tựa game GTA V, ở chế độ multiplayer, người chơi có thể tương tác với bạn bè trong một thế giới ảo thông qua Internet. Đồng thời, game thủ có thể làm các hoạt động trao đổi, buôn bán, đào mỏ hay thậm chí thực hiện những điều khó làm trong thực tế như quậy phá sòng bạc để kiếm tiền mua nhà cửa, xe cộ…
Nếu chơi GTA V trong nhiều năm, người dùng có thể xây dựng nhân vật trong game thành một “ông trùm” hay một đại gia thực thụ trong thế giới ảo. Người chơi cũng có thể tạo dựng một khối tài sản kếch xù, sở hữu nhiều cơ sở kinh doanh, nhà ở hay một dàn ôtô, xe máy, du thuyền… trong game.
|
Tựa game GTA V được xem là một Metaverse rất thành công. Ảnh: SC Server.
|
Đây cũng là lý do khiến tựa game này được yêu thích trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tạp chí Forbes cho biết GTA V là tựa game bán chạy nhất lịch sử vì sự phổ biến và lối chơi thực tế của nó.
Những doanh nghiệp không thích ứng được với metaverse có khả năng sẽ bị bỏ lại phía sau
Janine Yorio, đồng Chủ tịch Republic Realm
Ngoài GTA V, Fortnite cũng là một tựa game “đi đầu” trong hệ sinh thái Metaverse. Khi Epic phát triển Fortnite, kế hoạch của công ty này không hướng đến việc tạo ra một Metaverse. Tuy nhiên, trò chơi này đã trở thành trào lưu chỉ sau một năm và trở thành hiện tượng quốc tế.
Donald Mustard, Giám đốc sáng tạo của Epic cho biết công ty này cũng không đoán trước được sự bùng nổ nhanh chóng của tựa game này. Khi hàng triệu người dùng tham gia chơi Fortnite Battle Royale, công ty này mới bổ sung các tính năng tương tác như trò chuyện bằng giọng nói và các hiệu ứng nhảy múa trong game.
|
Buổi biểu diễn ảo của Travis Scott trong game Fortnite. Ảnh: TheDrum.
|
Tài liệu công khai của vụ kiện chống độc quyền giữa Epic Games và Apple cho biết Fortnite đã đạt mức doanh thu hơn 9 tỷ USD do nhiều người chơi nạp tiền vào để mua đồ và trang trí nhân vật trong game. Hiện nay, Epic giới thiệu Fortnite không chỉ là một tựa game giúp người dùng tương tác qua Internet mà còn là một thế giới ảo (Metaverse).
“Fortnite không chỉ là một trò chơi. Chúng tôi đang xây dựng nó như một địa điểm xã hội, một Metaverse”, Matthew Weissinger, Phó chủ tịch tiếp thị của Epic Games nói.
Với tựa game blockchain Decentraland, trò chơi này cho phép người dùng giao dịch các tác phẩm nghệ thuật NFT, tính phí vào cửa một buổi triển lãm hoặc buổi hòa nhạc ảo. Đồng thời, người chơi còn có thể kiếm tiền bằng cách kinh doanh đất đai, giá đất ảo trong game cũng đã tăng mạnh trong vài năm qua.
|
Đồ họa của tựa game blockchain Decentraland. Ảnh: CVN.
|
“Sự phát triển của game NFT đã cho thấy mọi người thậm chí có thể kiếm nhiều tiền hơn so với nền kinh tế bên ngoài của họ. Nó thực sự tạo ra một sân chơi bình đẳng khi bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền từ bất cứ đâu", ông TJ Kawamura, thành viên của Republic Realm & Republic Crypto nhận định trong một buổi tọa đàm về NFT.
Theo khảo sát State of Gen Z, 69% người dùng trẻ tuổi cảm thấy khó chịu khi không được sử dụng Internet trong vòng 8 tiếng. Đồng thời, 72% số này sử dụng Internet chủ yếu cho giải trí. Theo đó, thế hệ người dùng hiện tại đang sống trong môi trường mà mọi người tương tác với nhau qua các ứng dụng số và mạng xã hội.
“Thế hệ người tiêu dùng tiếp theo sẽ mong đợi tìm kiếm những sản phẩm mới và những sản phẩm cũ yêu thích của họ trong một thế giới ảo toàn diện của metaverse. Những doanh nghiệp không thích ứng được có khả năng sẽ bị bỏ lại phía sau”, bà Janine Yorio, đồng Chủ tịch của Republic Realm chia sẻ.
Những quan điểm trái chiều về Metaverse
Metaverse có thể mang lại cho con người những tương tác thú vị qua không gian ảo. Tuy vậy, nhiều người dùng cũng hoài nghi về Metaverse.
Trong đó, kế hoạch biến Facebook thành vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cha đẻ của đồng tiền mã hóa Ethereum, Vitalik Buterin cũng chỉ trích kế hoạch này của CEO Facebook.
“Có nhiều người dùng nghi ngờ Facebook. Vì vậy, việc xây dựng một vũ trụ ảo trên nền tảng độc quyền có thể là một điều tiêu cực đối với người dùng. Facebook nên xây dựng Metaverse trên các blockchain hiện có. Đồng thời, blockchain có thể là một mối đe dọa cho các công ty lâu đời”, Vitalik Buterin nói.
Mặc dù là người làm việc trong lĩnh vực blockchain, nhà sản xuất NFT của công ty Wenew, Mike Winkelmann cho rằng Metaverse là một mô hình phi thực tế. Theo Mike, con người không thể tiếp xúc mãi với một thế giới ảo, mô hình này sẽ nhận được nhiều phê bình hơn là được công nhận trong tương lai.
“Con người không thể ngồi gần với màn hình và sống mãi trong không gian ảo. Metaverse không thể thay đổi được thực tế, người dùng cũng chỉ xem nó là một không gian ảo”, Mike nhận định.
|
Thị trường NFT cũng đã dần lắng xuống sau đợt bùng nổ lớn. Ảnh: QZ.
|
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam cho rằng Metaverse trong lĩnh vực blockchain có thể là một xu hướng đầu tư trong ngắn hạn. Chia sẻ với Zing, quản trị viên của cộng đồng đầu tư tiền mã hóa tại TP.HCM, anh Đào Hoàng Vạn Lý cho rằng xu hướng game Metaverse trong thị trường tiền mã hóa có thể trở thành một "bong bóng" đầu cơ. Tuy nhiên, hiện tại chưa phải là đỉnh điểm của mô hình này.
"Theo quan điểm cá nhân của tôi, xu hướng Metaverse trong blockchain hiện tại đang dừng lại ở việc phát hành trò chơi. Tuy nhiên, các tựa game này chưa có yếu tố công nghệ thực tế ảo nào đặc biệt, chỉ xoay quanh khả năng kiếm tiền từ NFT và việc giao lưu giữa người chơi. Các tựa game này sẽ nhanh chóng bị thoái trào nếu không được cập nhật những công nghệ đi theo xu hướng Metaverse sắp tới", anh Lý nhận định.
Bên cạnh đó, các sản phẩm NFT còn bị cho là một công cụ để rửa tiền và trốn thuế. Giảng viên hỗ trợ trong khoa Nghệ thuật & Thiết kế tại Đại học Lasell, Catherine Graffam cho rằng nhiều NFT đã được sử dụng để rửa tiền tương tự các tác phẩm nghệ thuật vật lý. Thậm chí, quá trình này diễn ra còn dễ dàng hơn.
"Việc rửa tiền bằng NFT có thể diễn ra dễ dàng vì đây là loại tiền tệ phi tập trung. Đồng thời, về cơ bản, không cơ quan nào quy định việc đánh thuế đối với các tác phẩm nghệ thuật", bà Graffam nói.
Trích Nguồn :